BẢN TIN TRONG NƯỚC THÁNG 04.2025
BẢN TIN TRONG NƯỚC
(Từ bản tin số 123, ngày 01/04/2025 của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam -VLA)
FWC 2025: KỲ VỌNG ĐẠI HỘI LỊCH SỬ
Tham dự Hội nghị tại trụ sở của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải thế giới 2025 (FIATA Headquarters Meeting – FIATA HQ Meeting 2025), Đoàn Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức cùng các doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động xúc tiến, kết nối quan trọng. Đặc biệt là các hoạt động thúc đẩy tổ chức FIATA World Congress – FWC 2025 tại Hà Nội vào tháng 10 tới.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA nhấn mạnh về sức hấp dẫn của Việt Nam nói chung và ngành logistics nói riêng. Đồng thời khẳng định cơ hội to lớn từ FWC 2025 mang lại cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực này, trả lời cho câu hỏi “vì sao nên đến Việt Nam tham dự FWC 2025?”. “Khi đến Việt Nam vào tháng 10 này, bạn sẽ không chỉ tham dự một FWC khác mà còn bước vào một trong những trung tâm logistics phát triển nhanh nhất ở Châu Á”, ông Đào Trọng Khoa khẳng định.
Theo đó, nằm ở vị trí chiến lược tại trung tâm của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam gần các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, đóng vai trò là mắt xích quan trọng cho hoạt động thương mại giữa các nước trong khu vực và thị trường toàn cầu.
“Việt Nam đã trở thành một nhân tố chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Ngành logistics của chúng tôi đang phát triển mạnh mẽ, là nơi có hơn 40.000 công ty logistics hoạt động trên khắp cả nước, với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 12-14%, thị trường logistics Việt Nam trị giá hơn 60 tỷ USD”, Chủ tịch VLA chia sẻ.
Bên cạnh vị trí địa lý, Việt Nam đang nổi lên như một “ngôi sao” trong thu hút đầu tư được thúc đẩy bởi làn sóng sản xuất bùng nổ và vị thế là trung tâm tăng trưởng ở Đông Nam Á. Đến năm 2025, nền kinh tế dự kiến sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD, đứng thứ 33 trên toàn cầu. Đáng chú ý, bên cạnh hàng may mặc truyền thống, giày dép, đồ nội thất, sản phẩm nông nghiệp, Việt Nam còn mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn trên nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp bán dẫn và AI; Năng lượng tái tạo và nền kinh tế xanh; Các ngành công nghệ cao; Du lịch thông minh và nền kinh tế số... với những “gã khổng lồ” toàn cầu như Samsung, LG, Foxconn và Intel, Nvidia đã chọn Việt Nam làm trung tâm sản xuất chính và là quê hương thứ hai. Điểm thu hút tiếp theo khi đến với FWC 2025, Việt Nam không chỉ là nơi để kinh doanh mà còn là nơi giúp đại biểu tham dự và người đi kèm có thể kết hợp hoàn hảo giữa công việc và giải trí. Một cơ hội độc đáo để kết hợp việc tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và trải nghiệm văn hoá Việt Nam giàu bản sắc.
FWC 2025 cũng được VLA kỳ vọng đạt kỷ lục về số đại biểu tham dự với dự kiến hơn 1.200 đại biểu đến từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia chương trình nghị sự quan trọng cùng 6 phiên hội thảo chuyên đề. Bên cạnh đó là chương trình triển lãm kéo dài của các doanh nghiệp hàng đầu, B2B kết nối theo hình thức One-on- One trên nền công nghệ hiện đại.
CƠ HỘI, THÁCH THỨC ĐAN XEN VỚI NGÀNH LOGISTICS VIỆT NAM
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thời gian qua, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, ngành này vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Stéphane Graber, Tổng Giám đốc Liên đoàn các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA), đánh giá Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao khi cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây là mục tiêu mà thế giới đang hướng tới, nên Việt Nam đang ở trong vị thế rất tốt để chuyển đổi xanh và có được những đối tác thương mại lớn, góp phần định hướng cho Việt Nam tối ưu hóa chuỗi cung ứng của mình.
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho biết nhờ những điểm sáng trên, sau nhiều năm nỗ lực, VLA đã đại diện Việt Nam giành được quyền đăng cai sự kiện FIATA World Congress 2025 - đại hội lớn nhất của ngành logistics toàn cầu.
Đây được xem là cơ hội lịch sử để quảng bá sức hấp dẫn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu do FIATA là tổ chức có đến 154 quốc gia thành viên. Sự kiện được tổ chức luân phiên hàng năm giữa các châu lục, nên để có thể quay lại tổ chức tại Việt Nam là không hề dễ dàng.
Cũng theo ông Đào Trọng Khoa, với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do ký kết với các thị trường lớn trên thế giới, Việt Nam đã trở thành nhân tố chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như may mặc, giày dép, đồ gỗ, sản phẩm nông nghiệp, Việt Nam còn mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn trên nhiều lĩnh vực công nghệ cao, với những “gã khổng lồ” toàn cầu như Samsung, LG, Foxconn, Intel, Nvidia đã chọn Việt Nam làm trung tâm sản xuất.
Đồng thời, Việt Nam cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó cảng Cái Mép đứng thứ 7 thế giới về cảng container hiệu quả.
Thị trường logistics Việt Nam với hơn 40.000 công ty logistics, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 12-14% được định giá hơn 60 tỷ USD.
Sân bay quốc tế mới tại Long Thành, các tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, các cảng biển, các khu thương mại tự do được hoàn thành sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng và vị thế của Việt Nam trên bản đồ logistics toàn cầu.
Bà Phạm Thị Lan Hương, Trưởng Ban Logistics của VLA, nhận định ngành logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội cực kỳ tốt do trung ương cùng các địa phương đang quan tâm đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho ngành logistics phát triển.Nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra để triển khai Quyết định số 200/QĐ-TTg năm 2017 và Quyết định số 221/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành logistics.
Bộ Công Thương cũng đang chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển logistics quốc gia. Nhiều địa phương lồng ghép nội dung quy hoạch logistics vào quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt; ban hành các kế hoạch phát triển logistics và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển logistics địa phương.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh cùng với quyết tâm của cả nước nâng mức tăng trưởng năm 2025 từ 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, đây là cơ hội phát triển cho ngành logistics.
Ông Van Doorslaer Geerart Karel S, Cố vấn Công ty T&M Forwarding, người đã sống và làm việc tại Việt Nam 21 năm cho biết ông đã chứng kiến được rất nhiều sự thay đổi vượt bậc của Việt Nam, tạo nhiều cơ hội cho ngành logistics phát triển, trong đó, Chính phủ Việt Nam đang có quyết tâm và hành động thực sự trong thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6-7%. Đây là tỷ lệ rất cao mà ông mơ ước, nhưng EU cũng không làm được.
Mặc dù có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, ngành logistics Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế và thách thức.
Theo thống kê của VLA và Bộ Công Thương, chi phí logistics tại Việt Nam vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 16,5 - 16,8% GDP, cao hơn mức trung bình của thế giới (11,6%). Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nguyên nhân là do: có đến 62% doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng, 57% doanh nghiệp gặp khó khăn do hạ tầng logistics chưa đồng bộ, 53% doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí đầu tư công nghệ cao và 55% doanh nghiệp gặp khó khan trong việc tích hợp các hệ thống công nghệ mới với hệ thống cũ. Chương trình đào tạo tại các trường đại học chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ và xu hướng ngành. Thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tế. Theo VLA, hiện chỉ có khoảng 24% nhân lực logistics được đào tạo chuyên ngành.
Ông Nguyễn Hoài Chung, Ủy viên Ban chấp hành VLA, Giám đốc Sàn giao dịch logistics quốc tế Phaata, cho biết chi phí vận tải nội địa được dự báo tăng do ảnh hưởng từ quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy các cơ quan nhà nước và luật giao thông mới được áp dụng về thời gian vận hành phương tiện. Đối với thị trường quốc tế, giá cước được dự báo có xu hướng giảm trong dài hạn, do chênh lệch cung cầu.
Cầu năm 2025 được dự báo chỉ tăng khoảng 3% so với năm 2024, nhưng nguồn cung tàu mới đưa vào thị trường tăng khoảng 8%. Nếu chính quyền của Tổng thống Trump vẫn đánh thuế cao lên nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ dẫn đến giảm sản lượng hàng hóa xuất xứ từ châu Á sang Mỹ và EU.
Chưa kể các khó khăn, bất định trong thời gian tới cũng sẽ khiến nhu cầu giảm, kéo theo giá cước vận chuyển giảm. Tuy nhiên, thời gian và chi phí logistics vẫn được dự báo tăng do các quốc gia tăng thêm các quy định mới với nhiều thủ tục. Rủi ro các cuộc đình công ở một số cảng biển có thể dẫn đến tình trạng kẹt cảng.
ĐỒNG NAI ĐỀ NGHỊ THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP KHU THƯƠNG MẠI TỰ DO GẦN SÂN BAY LONG THÀNH
Chiều 26/3, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội làm việc với tỉnh Đồng Nai về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và ban hành văn bản thi hành Luật Đất đai trên địa bàn Đồng Nai.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ chấp thuận cho phép tỉnh thí điểm thành lập mô hình khu thương mại tự do gần sân bay Long Thành và cảng Phước An. Khu thương mại tự do nhằm phục vụ nhu cầu giao thương quốc tế, phù hợp với lợi thế vị trí địa lý chiến lược, lợi thế về ngành nghề, định hướng phát triển của tỉnh và của vùng Đông Nam Bộ.
Đại diện lãnh đạo tỉnh cho rằng, hiện pháp luật Việt Nam chưa có các quy định cụ thể đối với mô hình khu thương mại tự do. Do vậy, việc nghiên cứu đề án khu thương mại tự do là nội dung cấp thiết, quan trọng, phải triển khai sớm để làm cơ sở cụ thể hóa trong thực tiễn. Nếu được xây dựng, khu thương mại tự do tỉnh Đồng Nai sẽ trở thành mô hình thí điểm đổi mới cơ chế chính sách, thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tỉnh trình song song hồ sơ thành lập Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà không chờ cập nhật quy hoạch sử dụng đất; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách của tỉnh; có cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án bất động sản.
TÂN CẢNG SÀI GÒN KÝ KẾT HỢP TÁC VỚI CẢNG LỚN NHẤT ĐỒNG NAI
Chiều 28-3, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An (PAP) - cảng lớn nhất tỉnh Đồng Nai.
Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác giữa SNP và PAP. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả vận hành của chuỗi cung ứng khu vực phía Nam, hướng tới sự phát triển bền vững và kết nối toàn diện hơn trong lĩnh vực logistics.
Ông Trương Hoàng Hải - tổng giám đốc cảng Phước An - nhận định sự kết hợp giữa tiềm lực hạ tầng hiện đại của PAP và kinh nghiệm quản lý, khai thác cảng hàng đầu của SNP kỳ vọng tạo ra một hệ sinh thái logistics toàn diện và hiệu quả. Qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, tối ưu hóa thời gian giao nhận hàng hóa.
Dịp này, cảng Phước An đã đón chuyến tàu đầu tiên của hãng tàu hàng SITC cập bến. Đây là chuyến tàu đầu tiên được điều chuyển từ tuyến dịch vụ quốc tế tại cảng Tân Cảng - Cát Lái sang khai thác tại cảng Phước An.
"Sự kiện là minh chứng cho sự hợp tác chiến lược giữa PAP và SNP, nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực khai thác cảng", ông Hải chia sẻ.
Ngoài ra, hai đơn vị cũng cam kết triển khai nhiều ưu đãi, chất lượng dịch vụ cho hãng tàu, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics và vận chuyển hàng hóa trong thời điểm lưu lượng, sản lượng khu vực Đông Nam Bộ ngày một tăng cao.
Thông tin báo giá chi tiết về dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ: THANH PHONG Logistics
- Văn phòng làm việc: Vincom Plaza, MG02 - 08A, số 01 Đ. Lê Thánh Tông, Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng.
- Điện thoại: 02256568111 - 0961089966 - 0355621386
- Email: chaunh@thanhphonglogistics.com
- Hotline: 0961089966
Hân hạnh mang đến những dịch vụ chuyên nghiệp, uy tín, nhanh chóng tại Hải Phòng cũng như các khu vực lân cận.
Số lần xem: 10