BẢN TIN TRONG NƯỚC THÁNG 03.2025
BẢN TIN TRONG NƯỚC
(Từ bản tin số 122, ngày 15/03/2025 của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam -VLA)
WORLD BANK DỰ BÁO GDP VIỆT NAM NĂM 2025 TĂNG 6,8%
Ngày 12/03 World Bank Việt Nam đã công bố Báo cáo Điểm lại tháng 3, theo đó tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ giảm xuống còn 6,8% trong năm 2025 trước khi ổn định ở mức 6,5% trong năm 2026. Xuất khẩu dự kiến sẽ tăng chậm lại trong năm 2025 và tiếp tục giảm trong năm 2026 do dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại trong ngắn hạn ở các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - Trung Quốc và Hoa Kỳ - và do viễn cảnh bất định về thương mại toàn cầu trong điều kiện dự kiến có sự chuyển dịch về chính sách thương mại.
Các hoạt động kinh tế và dịch vụ trong nước dự kiến sẽ vững hơn trong năm 2025 và đến năm 2026 khi thị trường bất động sản dần lấy đà phục hồi. Triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực nhưng các yếu tố bất định đang gia tăng. Do độ mở của kinh tế Việt Nam rất lớn, các yếu tố bất định chính bao gồm tăng trưởng toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là ở các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, và Trung Quốc. Những diễn biến đó, bao gồm những bất định gia tăng do chuyển hướng chính sách thương mại, cả sự chia rẽ ngày càng sâu sắc về thương mại, có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, sản lượng công nghiệp và tăng trưởng của Việt Nam.
Mặt khác, đầu tư công được đẩy mạnh sẽ tiếp tục đóng góp vào tổng cầu và đóng góp cho tăng trưởng. Thị trường bất động sản phục hồi nhanh hơn nhờ các dự án được thông qua nhanh hơn cũng có thể tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Các chính sách hỗ trợ tăng trưởng cần tập trung đẩy mạnh đầu tư công, giảm nhẹ rủi ro trong khu vực tài chính, nâng cao khả năng chống chịu về năng lượng và triển khai cải cách cơ cấu. Trước hết, mặc dù nền kinh tế sẽ tăng trưởng vững chắc trong các năm 2025-2026, nhưng tình trạng thiếu hụt hạ tầng hiện nay đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn. Dư địa tài khóa hiện hành và những cải thiện về quản lý đầu tư công có thể giúp dành ra nguồn lực cần thiết cho những dự án đó để đảm bảo động lực tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn, cụ thể trong các lĩnh vực năng lượng, Logistics và vận tải.
Hai là trên cơ sở những cải cách gần đây, các bước tiếp theo vẫn tiếp tục cần thực hiện là giảm nhẹ rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương trong khu vực tài chính. Các cấp có thẩm quyền cần khuyến khích hệ thống ngân hàng cải thiện các hệ số an toàn vốn và tăng cường khung thể chế, và trách nhiệm của NHNN về giám sát an toàn (bao gồm phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh do ngân hàng liên kết với các tập đoàn doanh nghiệp) và can thiệp sớm (xác định sớm vấn đề và phòng ngừa khủng hoảng).
Thứ ba, nâng cao khả năng chống chịu về năng lượng là cách để giảm nhẹ rủi ro về cung có thể gây hạn chế cho tăng trưởng. Các chỉ tiêu trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP 3) được áp dụng có thể cải thiện năng suất trong ngành và giảm mức độ thâm dụng năng lượng. Điều quan trọng là cần tránh chậm trễ trong cấp phép và triển khai mở rộng công suất sản xuất điện theo kế hoạch để đảm bảo an ninh năng lượng. Cơ chế đấu thầu và định giá được cải thiện cũng có thể đảm bảo thực hiện được kế hoạch tăng công suất sản xuất điện.
Cuối cùng, cải cách cơ cấu có vai trò thiết yếu nhằm duy trì tăng trưởng bền vững dài hạn, cụ thể là tăng cường môi trường quy định trong các ngành dịch vụ nền tảng quan trọng, xanh hóa nền kinh tế, hình thành vốn nhân lực, tăng cường chiều sâu hội nhập.
THÁO GỠ ‘ĐIỂM NGHẼN’ CHO LOGISTICS ĐƯỜNG SẮT VIỆT – TRUNG
Logistics đường sắt Việt - Trung có tiềm năng lớn nhờ vận chuyển lượng hàng lớn, thời gian vận chuyển từ ga Nam Ninh Nam (Trung Quốc) đến ga Yên Viên (Việt Nam) nhanh nhất chỉ mất 14 giờ, rút ngắn hơn 80% thời gian so với vận tải biển truyền thống, nhưng vẫn vướng nhiều rào cản từ hạ tầng, thủ tục đến chính sách, chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển giữa hai quốc gia. Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, đồng thời là đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tổng sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế năm 2024 đạt 1,59 triệu tấn, tăng 44% so với năm 2023, cho thấy nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt giữa hai nước là rất lớn. Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa Hà Nội - Quảng Tây bằng đường sắt liên vận quốc tế, ông Hùng khuyến nghị, từ tuyến đường sắt liên vận quốc tế cần kết nối sâu vào các tỉnh phía Nam thông qua các hành trình như: Nam Ninh - Bằng Tường - Đồng Đăng - Yên Viên - Đà Nẵng, Nam Ninh - Bằng Tường - Đồng Đăng - Yên Viên – Sóng Thần (Bình Dương)... Hành trình này sẽ giúp thúc đẩy hoạt động vận chuyển các mặt hàng xuất khẩu như trái cây tươi; hải sản đông lạnh; ngành hàng điện tử, da giày, gỗ nội thất,... là những ngành hàng thế mạnh và chủ lực của Việt Nam được tiêu thụ chính tại thị trường Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Tây nói riêng.
Tiềm năng như vậy, song theo các doanh nghiệp logistics Việt Nam, dù có lợi thế về thời gian di chuyển nhanh, giá cước cạnh tranh và thủ tục đơn giản, nhưng hệ thống đường sắt vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và sự đồng bộ trong kết nối.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là sự khác biệt về khổ đường giữa Việt Nam (1.000mm) và Trung Quốc (1.435mm). Điều này khiến việc kết nối giữa hai hệ thống trở nên phức tạp, làm tăng thời gian và chi phí chuyển tải.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - thẳng thắn chỉ ra: “Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng dù có khổ lồng giúp tàu chạy thẳng vào ga Yên Viên, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Khi điều kiện chín muồi, chúng ta sẽ phải xây dựng tuyến mới để đảm bảo khả năng kết nối lâu dài”.
Theo Ông Thẩm Thượng Vỹ, đại diện Công ty TNHH Bắc Cảng Quảng Tây, cho biết: “Hiện tại, Quảng Tây đã có đường sắt thường nối Nam Ninh qua Bằng Tường, Đồng Đăng đến Hà Nội, cùng với tuyến cao tốc Phòng Thành Cảng - Đông Hưng và Trùng Khả - Bằng Tường sắp đưa vào khai thác. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc đang được đẩy mạnh, tuy nhiên để phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với phía Việt Nam”.
Một trong những giải pháp quan trọng được các đại biểu đề xuất là tăng cường mô hình cửa khẩu thông minh. Việc áp dụng công nghệ số trong quản lý thông tin hàng hóa tại các ga Đồng Đăng và Lào Cai sẽ giúp rút ngắn thời gian thông quan.
DỰ KIẾN HOÀN THÀNH 55 KM CAO TỐC BẾN LỨC LONG THÀNH VÀO CUỐI NĂM NAY
Dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành đang chạy đua tiến độ để hoàn thành 55/58 km vào cuối năm nay, góp phần đạt mục tiêu chung cả nước trong việc hoàn thành 3.000 km vào năm 2025...
Trước đó, dự án đã đưa vào khai thác 2 đoạn tuyến đầu và cuối với tổng chiều dài 10,4 km là đoạn tuyến từ nút giao với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đến nút giao Quốc lộ 1A (Km0+600-Km3+420) thuộc gói thầu A1-1 và đoạn tuyến từ nút giao Phước An đến nút giao Quốc lộ 51 (Km50+300 Km57+700) thuộc các gói thầu A6-4, A6-5, A-7 trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Hiện tại, VEC đang phối hợp với các bên liên quan để giải quyết các nội dung liên quan đến chi phí phát sinh do dừng chờ, chi phí tái huy động thiết bị, nhân lực, chi phí điều chỉnh biện pháp thi công của gói thầu J1 và gói thầu J3.
Đồng thời, khiếu kiện của nhà thầu gói thầu J3 ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) trên cơ sở đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên, tuân thủ các quy định của hợp đồng, quy định pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan.
Dự án có quy hoạch một trạm dừng nghỉ tại Km36+200, VEC đang thực hiện công tác tuyển chọn tư vấn thiết kế bản vẽ thi công và chuẩn bị hồ sơ mời đấu thầu xây lắp. Được biết, VEC đang chuẩn bị hồ sơ mời thầu đấu thầu dịch vụ thu phí điện tử không dừng dự kiến hoàn thành trong quý 4/2025; hệ thống điều hành giao thông sẽ được VEC đầu tư vào thời điểm thích hợp.
SAU KHÓ KHĂN, NGÀNH CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY NỖ LỰC VƯƠN LÊN
Theo báo cáo Mineral Commodity Summaries 2023, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng năng lực đóng tàu thế giới, chiếm 0,61% thị phần đóng tàu thế giới, vượt qua cả những quốc gia có truyền thống đóng tàu lâu đời. Điều này chứng tỏ sự tiến bộ vượt bậc của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới. Các liên doanh với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Hyundai và Damen đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và quản lý.
Năm 2024 chứng kiến những cột mốc quan trọng của ngành đóng tàu Việt Nam. Công ty đóng tàu Hạ Long đã hạ thủy và xuất khẩu thành công tàu dịch vụ điện gió CSOV cho đối tác Hà Lan, một loại tàu đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Tiếp theo đó, đơn vị này tiếp tục nhận được đơn hàng 14 tàu CSOV từ Tập đoàn Damen.
Cùng năm, Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu đã hạ thủy tàu Trường Minh Dream 65.000 DWT, tàu hàng rời có trọng tải lớn nhất từ trước đến nay do kỹ sư và công nhân Việt Nam thực hiện. Những thành công này là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam trong việc vượt qua khó khăn và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Năng lực công nghệ, sản xuất và cạnh tranh còn hạn chế so với các quốc gia phát triển. Hiện tại, ngành chủ yếu tập trung vào gia công và lắp ráp, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao. Sự thiếu hụt của các ngành công nghiệp phụ trợ như luyện kim và chế tạo máy khiến Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhập khẩu vật tư, ảnh hưởng đến tính chủ động và khả năng cạnh tranh.
Theo ông Phạm Hoài Chung, TGĐ Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC), để duy trì tính cạnh tranh, ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam nói chung và SBIC nói riêng, cần tập trung vào việc áp dụng công nghệ tiên tiến, chú trọng bảo vệ môi trường và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, việc nắm bắt xu hướng dịch chuyển của ngành đóng tàu thế giới từ châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Á là cơ hội vàng để các doanh nghiệp đóng tàu, đặc biệt là những doanh nghiệp “đầu tàu” như SBIC phát triển.
Với xu hướng chuyển đổi xanh, SBIC sẽ tập trung vào đóng các chủng loại tàu có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và thân thiện môi trường.
Xu hướng “dịch chuyển” này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành vận tải biển và đóng tàu trong nước, mà còn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã đưa ra quy định bắt buộc chuyển đổi sang năng lượng sạch theo cam kết tại COP26. Đây vừa là thách thức, vừa là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam trong thời gian tới.
Thông tin báo giá chi tiết về dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ: THANH PHONG Logistics
- Văn phòng làm việc: Vincom Plaza, MG02 - 08A, số 01 Đ. Lê Thánh Tông, Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng.
- Điện thoại: 02256568111 - 0961089966 - 0355621386
- Email: chaunh@thanhphonglogistics.com
- Hotline: 0961089966
Hân hạnh mang đến những dịch vụ chuyên nghiệp, uy tín, nhanh chóng tại Hải Phòng cũng như các khu vực lân cận.
Số lần xem: 61